Đột quỵ não có chữa khỏi không?

Theo thống kê, trung bình cứ 100 người bị đột quỵ não thì có khoảng 15 người chết, khoảng 25 người liệt vận động luôn cần người phụ giúp, chăm sóc, chỉ 20 người khoẻ mạnh lại hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn và có thể làm việc trở lại được, còn lại là những người có hồi phục nhưng vẫn yếu hoặc bị liệt một phần nào đó trên cơ thể.

Đột quỵ não có chữa khỏi không? 1

Bệnh đột quỵ não là gì?   

Bệnh đột quỵ não còn được gọi là tai biến mạch máu não, dùng để chỉ sự tổn thương một phần não bộ do xuất huyết mạch máu não hoặc do tắc nghẽn mạch máu đi nuôi não. Bộ não cần được cung cấp oxy thường xuyên để có thể hoạt động được nên khi một động mạch dẫn máu đi nuôi não bị cản trở, máu không lên được thì vùng não đó sẽ ngưng hoạt động. Nghiêm trọng hơn, nếu đột quỵ não do vỡ mạch máu não không chỉ làm cho máu chảy tràn vào tổ chức não xung quanh mà còn chèn ép làm chết các tế bào thần kinh khác.

Xem thêm: Nguyên nhân gây ra đột quỵ não

Bệnh đột quỵ não để lại hậu quả gì?

Tại Việt Nam, số bệnh nhân bị đột quỵ não nhập viện không ngừng gia tăng. Hàng năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, chưa kể tái phát, khoảng 50% trong số đó tử vong. Hơn 90% bệnh nhân đột quỵ sống sót mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, giảm thị lực, mất khả năng kiểm soát cảm xúc… Nếu năm 2005, Bệnh viện Nhân Dân 115 tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhân đột quỵ não thì năm 2013 con số này lên tới gần 8.000 bệnh nhân. Tại khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ 650 người nhập viện thì có 400 người bị đột quỵ não. Chính vì thực tế không ngừng gia tăng của bệnh cũng như những hậu quả nặng nề mà người bệnh phải gánh chịu sau cơn tai biến mà nhiều chuyên gia y tế đã nhận định, đột quỵ não chính là sát thủ thầm lặng.

Thêm nữa, tỷ lệ tái phát sau đột quỵ não khá cao, khoảng 25% trong 5 năm đầu sau khi bị tai biến. Nguyên nhân gây đột quỵ não càng nguy hiểm thì tỷ lệ tái phát bệnh càng cao. Đa số bệnh nhân sau khi đột quỵ sức khỏe yếu, sa sút tinh thần, không tự chăm sóc cho bản thân và để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu trường hợp đột quỵ não do vỡ mạch máu não gây ra, nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách thì nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh đột quỵ não có chữa khỏi không?

Bệnh đột quỵ não có chữa khỏi hay không còn tùy thuộc vào việc phát hiện và điều trị đột quỵ não sớm hay muộn. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể giúp ngăn chặn tổn thương và phục hồi di chứng. Mặt khác kết quả điều trị còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, nếu nhồi máu trên diện rộng và xuất huyết ở những động mạch lớn thì thường tiên lượng nặng và kết quả điều trị thường ít khả quan. Ngoài ra, tùy vào cách cấp cứu đột quỵ lúc bệnh nhân bị bệnh, khả năng dùng thuốc điều trị, chế độ ăn uống tập luyện cũng như phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ não… mà mỗi bệnh nhân tai biến có mức độ hồi phục khác nhau. Có những người khỏi hoàn toàn, có những người để lại di chứng nhẹ, có những người để lại di chứng nặng nề là tàn phế hoặc nặng nhất có thể tử vong… Bởi vì, tai biến mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong sau các bệnh lý tim mạch. Một số trường hợp có thể qua khỏi cơn nguy kịch, nhưng sẽ phải chịu di chứng nặng nề như: liệt một bên tay, chân, nói ngọng, mắt mờ, không nói được, không thể nhận biết được bản thân và người xung quanh…

Như vậy để giúp bệnh nhân đột quỵ não vượt qua cơn nguy kịch, ít để lại di chứng và nhanh chóng hồi phục thì bản thân mỗi người cần nắm vững những triệu chứng, nguyên nhân và cách cấp cứu đột quỵ não nhanh, kịp thời và đúng quy trình. Khi thấy các dấu hiệu như: đau đầu đột ngột, dữ dội, nói ngọng, chân tay yếu… thì người nhà cần giữ bệnh nhân tránh ngã và va đập, sau đó đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được theo dõi và chữa trị kịp thời. Tại thời điểm đó, khả năng bình phục trở lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân là rất cao.

Làm thế nào để cải thiện bệnh đột quỵ não?

Đột quỵ não là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể chữa trị được nếu kiên trì và áp dụng đúng các biện pháp sau đây:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý:

Bệnh nhân bị đột quỵ, tai biến mạch máu não đang trong quá trình điều trị cần được bổ sung các chất đạm từ thịt, cá, trứng, đậu hũ…; chất bột đường từ gạo, mì, bánh mì…; chất béo từ dầu mỡ…; rau củ quả và trái cây, cùng các vitamin và khoáng chất khác. Đồng thời hạn chế chất béo, đồ ngọt, thức ăn nhiều mắm muối… Lưu ý, thức ăn cần được cắt nhỏ, băm nhuyễn, ninh nhừ để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thụ.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh:

  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên và điều trị tích cực những yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…
  • Người đang điều trị đột quỵ hoặc có tiền sử đột quỵ não nên vận động thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần tùy theo thể trạng sức khỏe của mình sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch, ngăn ngừa rối loạn lipid máu, chống bệnh béo phì và bệnh tăng huyết áp.
  • Hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá.
  • Chú ý đảm bảo chất lượng và thời gian của giấc ngủ, giữ tinh thần thoải mái, tránh tâm lý kích động hoặc căng thẳng quá mức.
  • Tuân thủ đúng các yêu cầu của bác sĩ về việc dùng thuốc.

Tóm lại, bệnh đột quỵ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Vì vậy tốt nhất chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa khi bệnh chưa xảy ra. Trong đó việc nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh đột quỵ não và bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên y tế trong chẩn đoán, điều trị là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Cập nhật lúc: 30/10/2024
*ƯU ĐÃI* Freeship từ 3 hộp 20 viên hoặc 1 lọ 80 viên trở lên. Chi tiết vui lòng liên hệ 1800.1265
Loading...