5 nguyên nhân cốt yếu dẫn đến bệnh hay quên ở người già
Hay quên là chứng bệnh thường gặp ở người có tuổi, do chức năng của đại não bị suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là 5 nguyên nhân cốt yếu dẫn đến bệnh hay quên ở người già, mời bạn đọc tham khảo:
Mục lục
1, Tuổi tác
Trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh hay quên ở người già thì có lẽ sự lão hóa của hệ thần kinh trung ương là đóng vai trò quan trọng nhất gây nên. Bắt đầu từ độ tuổi 20, trọng lượng của não giảm dần, có thể thấy rõ nhất tại các vùng trán, đỉnh và thái dương. Khối lượng não bị giảm đi phản ánh số lượng tế bào thần kinh ngày càng ít và teo đi, có thể giảm tới 50% ở một số khu vực của não, đặc biệt ở vỏ não. Theo mức độ già đi của cơ thể, các quá trình teo và loạn dưỡng trong các tế bào thần kinh ngày càng gia tăng. Sự suy yếu của chức năng thần kinh do tuổi tác khiến cho các mạch máu bị lão hóa. Hay còn gọi là hiện tượng xơ hóa mạch nuôi dưỡng não khiến cản trở sự lưu thông máu lên não, điều này khiến việc vận chuyển “dinh dưỡng” nuôi não bị cản trở gây ra chứng hay quên. Đồng thời, sự co bóp của tim cũng không mạnh như trước khiến cho lưu lượng máu đến nuôi não giảm, oxy đến não cũng kém hơn trước. Đây là nguyên nhân chính của sự suy yếu chức năng hệ thần kinh nói chung và hoạt động nhận thức của người già nói riêng.
2, Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
Bộ não con người chỉ hoạt động hiệu quả khi cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cụ thể ở đây là các loại đạm và chất béo. Sự thiếu hụt vitamin B1 và B12 cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ. Bởi vitamin B1 đảm bảo cho hệ thần kinh hoạt động bình thường, giúp duy trì việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh có tác động đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người. Khi chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B1 có thể gây ra hội chứng Wernike-Korsakoff – một loại rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn, thậm chí dài hạn.
Ngoài ra, khi về già, các chức năng tiêu hóa suy giảm, kèm theo chứng chán ăn, khó ăn do cơ hàm và răng… dẫn đến tình tràng thiếu chất ở người già. Không những thế, người cao tuổi còn hay các bệnh mạn tính do đó thường xuyên phải sử dụng thuốc. Trong đó có một số thuốc có tác dụng phụ khiến bị đầy hơi, không tiêu và có cảm giác ăn không ngon như: các thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ, chống đau nhức, thuốc trị cảm, chống nghẹt mũi… làm giảm thích thú trong ăn uống, thậm chí có người thường xuyên bỏ dở bữa ăn nên cơ thể, nhất là não bộ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng gây nên bệnh đãng trí, hay quên ở người già.
3, Stress, căng thẳng, mất ngủ kéo dài
Mọi người thường cho rằng stress chỉ xảy ra với người trẻ tuổi khi áp lực công việc và học hành ảnh hưởng tới họ. Tuy nhiên, ở người già căng thẳng, stress vẫn xảy ra bình thường. Nguyên nhân chính là do sự lão hoá sinh học, trong đó đáng kể là sự lão hoá của hệ thần kinh, kéo theo sự suy giảm trí nhớ và giảm khả năng ngôn ngữ. Khi không diễn đạt được trôi chảy ý nghĩ bằng lời nói, sự lo âu tăng lên do cảm thấy người khác không hiểu mình dẫn đến những biểu hiện tâm lý như buồn bực, cáu gắt… Do đó, stress sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ không hề nhỏ. Trong đó, mất ngủ chính là hệ quả của stress gây ra. Càng căng thẳng càng không thể chợp mắt, mà không thể chợp mắt, hệ thần kinh càng phải hoạt động liên tục, mệt mỏi và không được nghỉ ngơi dẫn đến sức khỏe não bộ ngày càng suy giảm. Vì vậy hậu quả do stress, căng thằng, mất ngủ kéo dài cũng là một trong những điều kiện sớm để chẩn đoán bệnh hay quên, đãng trí ở người già.
Xem thêm: Vì sao cần chữa bệnh đãng trí, hay quên?
4, Lạm dụng thuốc, rượu bia và chất kích thích
Một số thành phần trong thuốc có thể gây hiện tượng hay quên ở người uống như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, thuốc giãn cơ, thuốc ngủ…. Nhiều loại chất gây nghiện đã bị đưa vào danh mục cấm bởi chúng không mang lại bất kỳ lợi ích nào mà còn gây hại cho sức khỏe. Bởi những chất này ảnh hưởng đến phần não bộ có chức năng lưu trữ thông tin và hình thành ký ức và một phần của não đảm nhận chức năng nhận thức. Kết quả là trí nhớ sẽ kém dần đi. Vì vậy, việc lạm dụng thuốc quá nhiều sẽ ngày càng khiến trí nhớ bị suy giảm và dễ mắc chứng bệnh hay quên.
Rượu cũng ảnh hưởng tiêu cực lên vùng nhớ của não bộ ngăn cản việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Nếu uống quá nhiều, rượu có thể gây nguy hiểm như khiến đãng trí, hay quên, làm mất trí nhớ, căng thẳng, trầm cảm và các biến chứng khác về thần kinh.
5, Mắc các bệnh lý khác liên quan
Những người cao tuổi thường mắc một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch hoặc ảnh hưởng từ các di chứng để lại của các bệnh tai biến mạch máu não, đột quỵ, tiểu đường, chấn thương não… dẫn đến quá trình lão hóa hệ thần kinh sẽ nhanh, mạnh hơn so với những người bình thường. Và biểu hiện thường thấy đầu tiên là đãng trí, hay quên, phản ứng chậm, giao tiếp khó và dễ kích động…
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hay quên ở người già. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin giá trị và cần thiết để bạn đọc có thể phát hiện, điều trị và ngăn chặn bệnh hay quên kịp thời, giúp não bộ ngày càng khỏe mạnh, sáng suốt và minh mẫn hơn.
Xem chi tiết: Cách trị bệnh hay quên ở người già
Bài viêt liên quan
- Top 12 thực phẩm bổ não tăng cường trí nhớ bạn nên ăn
- Tổng hợp 6 cách tăng cường trí nhớ đơn giản, dễ thực hiện
- Cảnh báo: Có nên uống thuốc bổ não tăng cường trí nhớ?
- Suy giảm trí nhớ sau sinh – Nguyên nhân và cách khắc phục
- Cách khắc phục, điều trị suy giảm trí nhớ
- Những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ và cách phòng tránh
- Suy giảm trí nhớ nên uống thuốc gì để cải thiện và điều trị