Những xét nghiệm cần thiết phát hiện bệnh đột quỵ não

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một căn bệnh nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đòi hỏi phải được theo dõi kỹ lưỡng, chẩn đoán chính xác và điều trị hợp lý mới hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Những xét nghiệm cần thiết phát hiện bệnh đột quỵ não 1

1, Triệu chứng của đột quỵ não

Các triệu chứng của đột quỵ não phổ biển là:

  • Rối loạn cảm giác hoặc vận động của một vùng cơ thể ( tê, liệt ) ở mặt, chân, tay đặc biệt nhất là liệt 1/2 người.
  • Rối loạn thị lực (nhìn mờ hoặc mù đột ngột).
  • Rối loạn về ngôn ngữ (nói ngọng hoặc thất ngôn).
  • Rối loạn tri giác ( lẫn lộn, kích thích vật vã, hôn mê)

Các triệu chứng rất thay đổi tuỳ thuộc vào đột quỵ não do tắc mạch hay xuất huyết não, vị trí não bị tổn thương và độ rộng của vùng não bị tổn thương…

Xem thêm: Tổng quan về bệnh đột quỵ não

2, Các thăm dò hỗ trợ chẩn đoán bệnh đột quỵ não

Hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay là chụp cắt lớp (CT và CTA) bằng máy cắt lớp đa dãy và chụp cộng hưởng từ (MRI và MRA) bằng máy có cấu hình từ 1.5 Tesla trở lên:

Chụp CT sọ ( Computed Tomography Scan )

Là thăm dò đầu tiên nên được lựa chọn ở bệnh nhân đột quỵ não, nó giúp người thầy thuốc phân biệt được đột quỵ não là do xuất huyết hay nhũn não, ngoài ra còn giúp phát hiện được u não hay các bất thường khác trong não có thể gây ra các triệu chứng giống đột quỵ não. Tuy nhiên, chụp CT sọ có thể bỏ sót nhiều trường hợp, đặc biệt là khi chụp trong 12 h đầu ở những bệnh nhân nhũn não, hơn nữa đây không phải là phương pháp tối ưu để phát hiện các ổ nhũn não nhỏ …

Chụp MRI sọ ( Magnetic Resonance Imaging )

Có độ nhậy cao hơn hẳn so với chụp CT sọ trong giai đoạn cấp đặc biệt là với ổ nhồi máu nhỏ, hoặc tổn thương ở vùng thân não. Tuy nhiên ở nước ta chụp MRI sọ đắt hơn nhiều so với chụp CT sọ do vậy phải tuỳ từng trường hợp cụ thể mà chỉ định phương pháp thăm dò cho thích hợp.

3, Các xét nghiệm cơ bản bệnh đột quỵ não

Các xét nghiệm dưới đây rất có ích trong việc hỗ trợ đánh giá tình trạng chung cũng như tình trạng bệnh tim mạch của người bệnh như:

  • Xét nghiệm đái tháo đường,  XQ tim phổi, Siêu âm tim
  • Các xét nghiệm máu: Sinh hoá, đông máu, huyết học

4, Siêu âm mạch cảnh

Có thể giúp phát hiện và đánh giá tình trạng vữa xơ gây hẹp lòng hoặc bóc tách ở ĐM cảnh là nguyên nhân gây đột quỵ não.

5, Chụp động mạch não

Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý mạch máu não thường được chỉ định ở những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ với nghi ngờ dị dạng mạch não hoặc tách thành động mạch não đặc biệt là trước phẫu thuật bóc tách nội mạc động mạch cảnh..

6, Điều trị cấp cứu đột quỵ não

Bảo đảm thông khí 

  • Đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn
  • Loại bỏ các dị vật trong miệng ( răng giả) nếu có
  • Đặt canuyn miệng hút đờm dãi khi cần.
  • Nếu bệnh nhân hôn mê Glasgow< 8 điểm và có ứ đọng đờm dãi phải đặt NKQ và thở máy khi cần.
  • Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn (nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, tri giác…) để có biện pháp xử trí thích hợp kịp thời.

Làm ngay các xét nghiệm cơ bản:

Xét nghiệm (Xquang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim, các xét nghiệm sinh hoá, huyết học, đông máu…) để đánh giá tình trạng chung cũng như các bệnh phối hợp khác của bệnh nhân. Chỉ định chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ sọ não ngay khi có thể để chẩn đoán phân biệt xuất huyết não hay nhồi máu não.

Chống phù não ( nếu có)

  • Nằm đầu cao 30°
  • Bảo đảm thông khí tốt.
  • Khống chế tốt huyết áp.
  • Truyền Manitol 0,5-1g/ lần truyền TM trong 20-30 phút.

Kiểm soát huyết áp  

Với các bệnh nhân xuất huyết não, khi huyết áp tăng cao( HA ≥ 200/120 mmHg) hạ huyết áp là cần thiết. Các loại thuốc hạ huyết áp phù hợp với bệnh nhân và không có chống chỉ định đều có thể dùng tuy nhiên không nên hạ HA nhanh quá. Trong giai đoạn cấp cứu có thể sử dụng các thuốc:

  • Labetalol Truyền TM với tốc độ 0,5 – 2 mg/p.
  • Nicardipine truyền TM  5-15 mg/h
  • Với các bệnh nhân nhũn não chỉ nên hạ huyết áp vừa phải để tránh làm giảm áp lực tưới máu não cần thiết. Với những bệnh nhân này nên duy trì huyết áp ở mức 150/90 mmHg.

Chăm sóc toàn diện 

Bảo đảm dinh dưỡng, chống loét, điều chỉnh nước, điện giải, đường máu, chống nhiễm trùng, điều trị phục hồi chức năng sớm…

Thuốc chống đông và các thuốc ức chế tiểu cầu (với bệnh nhân nhồi máu não)

  • Aspirin và các thuốc ức chế tiểu cầu nên cho sớm vì có tác dụng dự phòng TBMMN tái phát nhưng ít cải thiện về mặt tiên lượng trong giai đoạn cấp.
  • Heparin tiêm tĩnh mạch không làm giảm độ nặng của đột quỵ đã xảy ra mà còn tăng nguy cơ xuất huyết não.

Thuốc tiêu huyết khối

Chỉ được dùng khi :

  • Bệnh nhân đến sớm trước 3 giờ kể từ khi khởi phát
  • Chẩn đoán chắc chắn là TBMMN do thiếu máu não và không có xuất huyết não ( có kết quả chụp CT hoặc MRI sọ ).
  • Không có chấn thương sọ não hay đột quỵ trong vòng 3 tháng
  • Không có xuất huyết đường tiêu hoá trong vòng 3 tuần
  • Không có phẫu thuật trong vòng 2 tuần.
  • Không có chọc động mạch trong vòng 1 tuần.
  • Huyết áp tối đa < 180 mmHg, huyết áp tối thiểu < 110 mmHg.
  • Không có rối loạn đông máu và tiểu cầu >100.000/ml ….

Trong các loại thuốc tiêu huyết khối chỉ có t-PA (tissue Plasminogen Activator) được chỉ định với liều 0.9 mg/kg tiêm thẳng tĩnh mạch 10% tổng liều sau đó truyền TM 90% còn lại trong 1h. liều tối đa không quá 90 mg.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu tăng liều t-PA cao hơn và mở rộng thời gian dùng thuốc ( 6 h kể từ khi khởi phát ) thì không những không có lợi mà còn tăng thêm nguy cơ xuất huyết não ở nhóm bệnh nhân này.

Phẫu thuật lấy khối máu tụ (với bệnh nhân xuất huyết não )

Thường chỉ được tiến hành trong trường hợp khối máu tụ lớn gây chèn ép và tiến triển bệnh nhân ngày càng nặng.

Tóm lại, để chẩn đoán bệnh, ngoài việc theo dõi và căn cứ những biểu hiện lâm sàng do tắc mạch não hay do xuất huyết não, các bác sĩ cần phối hợp với các xét nghiệm cần thiết như X-quang sọ não, chụp CT não, cần thiết phải chụp cộng hưởng từ (MRI) não. Khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường như đã nêu trên, chúng ta cần đưa bệnh nhân đi khám càng sớm càng tốt để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não một cách kịp thời nhất.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau: Cách cấp cứu đột quỵ não đúng cách

Cập nhật lúc: 30/10/2024
*ƯU ĐÃI* Freeship từ 3 hộp 20 viên hoặc 1 lọ 80 viên trở lên. Chi tiết vui lòng liên hệ 1800.1265
Loading...