Chấn thương sọ não là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và diễn biến rất phức tạp. Do đó việc phát hiện có tổn thương của chấn thương sọ não, xử trí cấp cứu bước đầu và điều trị nhanh chóng, kịp thời có nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hạn chế biến chứng để lại và giảm tỷ lệ tử vong xảy ra.
Mục lục
1, Cách xử lý nạn nhân chấn thương sọ não
Khi thấy bệnh nhân bị chấn thương sọ não thì việc xử lý ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân có cơ hội thoát khỏi lưới hái tử thần và tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Những việc cần làm khi thấy nạn nhân bị chấn thương sọ não là:
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, chú ý giữ cột sống cổ và lưng không bị gập lại lúc di chuyển. Bất động bệnh nhân trên cáng cứng, nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên. Lưu ý, không vận chuyển bệnh nhân khi đang trong tình trạng suy thở, chảy máu, tụt huyết áp… Nếu tình trạng bệnh nhân nặng cần vận chuyển, bệnh nhân phải được hồi sức tại một cơ sở y tế gần nhất, sau đó gọi cấp cứu hỗ trợ và vừa hồi sức vừa vận chuyển.
- Khơi thông đường thở: móc đất cát, lau sạch dớt rãi trong miệng người bệnh; có thể khâu hoặc dùng kim băng cố định lưỡi khi ở bệnh nhân có nguy cơ tụt lưỡi hoặc có thể mở khí quản cấp cứu khi có chỉ định.
- Cần cầm máu các vết thương đang chảy máu, băng bó các vết thương, cố định xương gãy…, tránh mất máu và nhiễm trùng xảy ra.
- Kiểm tra xem bệnh nhân có suy thở hay không? Nếu không còn thở cần phải được hô hấp hỗ trợ: bóng bóp qua mặt nạ, đặt ống nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản (nếu có thể).
- Kiểm tra xem bệnh nhân có tụt huyết áp hay không? Cần có một đường truyền để bù dịch và dùng thuốc khi cần thiết.
Đọc tiếp: Tổng quan về chấn thương sọ não
2, Cách điều trị chấn thương sọ não
Theo bài đăng trên Tạp chí KHCN&MT 5/2010 của TS. Nguyễn Khải Hoàn, việc điều trị chấn thương sọ não sẽ được thực hiện gồm những bước cơ bản sau:
Điều trị ngoại khoa:
Khi chụp cắt lớp vi tính sọ não phát hiện khối máu tụ có xu hướng chèn ép thì có thể tiến hành giải phóng chèn ép não (do các phẫu thuật viên thần kinh thực hiện). Hiện nay kỹ thuật mổ nội soi não đã phát triển và là một cuộc cách mạng trong phẫu thuật sọ não, đảm bảo tính hiệu quả và hạn chế thương tổn thêm trong phẫu thuật
Điều trị nội khoa:
Điều trị nội khoa cho các trường hợp không có chỉ định phẫu thuật và sau khi đã được phẫu thuật. Trong đó, việc điều trị được thực hiện nhằm:
1, Điều trị tăng áp lực nội sọ:
Điều trị theo chỉ số ICP đo được trên máy hoặc theo biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng, kinh nghiệm… Trong đó, đo được áp lực nội sọ là tốt nhất.
- Nằm đầu cao ≈ 30°.
- Thông khí nhân tạo tối ưu: Chỉ định khi bệnh nhân hôn mê hoặc có biểu hiện suy thở. Duy trì PaCO2 từ khoảng 30 mmHg. Kiểu thở: AC; Vt 6-10ml/kg; T/s thở từ 14 – 16 lần/ phút; FiO2 40%. Có PEEP 5 – 10 cm H2O (tuỳ chỉ định, nếu cần); dẫn lưu nếu có tổn thương gây tràn khí, tràn máu màng phổi. Theo dõi khí máu 6h – 12h/lần để điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời. Xét nghiệm lại khí máu sau 30 phút đến 1h nếu có sự thay đổi về cài đặt lại các thông số máy thở.
- Theo dõi và kiểm soát huyết động: duy trì huyết áp động mạch (HAĐM) trung bình ở người bình thường luôn trên 90mmHg và ICP luôn dưới 20mmHg (nếu đo được ICP) để sao cho áp lực tưới máu não luôn trên 70mmHg. Bồi phụ thể tích nếu bệnh nhân có dấu hiệu giảm thể tích tuần hoàn bằng các chế phẩm của máu (đảm bảo Hb > 100g/L), albumin, dịch keo, dịch tinh thể… Nói chung không được sử dụng các dung dịch nhược trương.
- An thần giảm đau bằng một thuốc nhóm morphin (Fentanyl, Morphine) kết hợp với benzodiazepine (Midazolam) hoặc Thiopental (liều khởi đầu: 10mg/kg truyền TM trong 30′; liều tiếp theo: 5mg/kg trong 3h tiếp theo; liều duy trì: 1mg/kg/h).
- Sử dụng Manitol chống phù não: Manitol sẽ được dùng với liều 0,5-1g/kg khi ICP > 20 mmHg kéo dài trên 15 phút. Ngoài ra, Manitol 20% được sử dụng thường qui 6h/ lần với liều nói trên. Không sử dụng khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg.
2, Điều trị các rối loạn trung tâm và toàn thân có ảnh hưởng đến tổn thương não thứ phát:
- Chống co giật, kích thích: co giật hoặc kích thích sẽ gây tăng áp lực nội sọ.
- Kiểm soát huyết áp ổn định
- Chống tăng thân nhiệt: không được để sốt 39°C hoặc hơn: Paracetamol, lau mát…
- Duy trì Hb > 100g/L: Truyền máu (nếu cần)
- Chống rối loạn nước điện giải (Na+)
- Kiểm soát đường máu: Không nên để đường máu cao trên 7 mmol/L.
- Hút đờm dãi… (lưu ý hút nhẹ nhàng và hạn chế kích thích khi hút đờm)
- Phòng ngừa và điều trị các biến chứng: Nhiễm khuẩn bệnh viện (viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng catheter), xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, rối lọan nội tiết, loét do tỳ đè…
3, Nuôi dưỡng tích cực: (qua sonde dạ dày và dinh dưỡng tĩnh mạch).
4, Các biến chứng:
- Biến chứng chung: nhiễm trùng bệnh viện, xuất huyết tiêu hóa…
- Biến chứng tổn thương não thứ phát gây phù não nặng, tụt kẹt và tử vong.
5, Đánh giá kết quả:
Thang điểm GOS (Glasgow Outcome Scale): là thang điểm hay được dùng để đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân CTSN nặng vào các thời điểm: khi chuyển khỏi khoa hồi sức, khi ra viện, 6 tháng và 1 năm sau… Thang điểm được chia thành 5 mức độ với kết quả điều trị từ tốt tới xấu:
- Độ 1: hồi phục tốt (không có hoặc có di chứng nhẹ)
- Độ 2: có di chứng trung bình nhưng vẫn hoạt động độc lập được
- Độ 3: có di chứng nặng tỉnh táo nhưng phải có người phục vụ
- Độ 4: trạng thái sống thực vật
- Độ 5: tử vong
Đọc tiếp: Cách phục hồi sau chấn thương sọ não
Tóm lại, chấn thương sọ não nặng là một bệnh lý nặng. Do đó việc cấp cứu, điều trị và hồi sức cần phải được thực hiện bởi các cơ sở y tế có đủ điều kiện, có đội ngũ thầy thuốc đã được huấn luyện về chuyên ngành. Việc điều trị chấn thương sọ não đòi hỏi tính toàn diện, sự kiên trì bám sát người bệnh và thực hiện qui trình kỹ thuật một cách nghiêm túc mới có cơ hội cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tối đa di chứng chấn thương sọ não sau này.
Bạn BẤM VÀO ĐÂY để làm trắc nghiệm đánh giá tình trạng bệnh nhé!
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn