Tai biến mạch máu não thường để lại những di chứng nguy hiểm khác nhau và là gánh nặng đối với bản thân người bệnh cả về thể chất và tinh thần. Do đó việc phục hồi sau tai biến cần được thực hiện một cách khoa học, kỹ lưỡng nhằm giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và an toàn. Dưới đây là một số biện pháp phục hồi sau tai biến:
Ảnh minh họa: Phục hồi sau tai biến mạch máu não
1, Phục hồi chức năng vận động và nhận thức sau tai biến
Di chứng sau tai biến mạch máu não mà bệnh nhân thường gặp phải là các vấn đề liên quan đến vận động đi lại, rối loạn thăng bằng, giảm hoặc mất khả năng lao động. Nếu không phục hồi sớm các chức năng này mà chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ sẽ dẫn tới cứng cơ, cứng xương, không những không vận động được mà còn gây ra các biến chứng khác như viêm loét da do nằm lâu, viêm phổi, nhiễm trùng… Do đó nếu được tham gia tại các trung tâm phục hồi chức năng uy tín, bệnh nhân có thể được áp dụng các phương pháp điện trị liệu giúp kích thích các vùng hoạt động trở lại, hay dùng đèn hồng ngoại có tác dụng làm máu lưu thông. Phương pháp xoa bóp giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cảm giác tiếp xúc ở bệnh nhân và tập theo tầm vận động giúp bệnh nhân tránh teo cơ, cứng khớp. Hoặc kết hợp châm cứu, bấm huyệt, và dùng thuốc để nhanh chóng phục hồi các chi bị liệt. Bên cạnh đó những người thân trong gia đình cũng có thể giúp bệnh nhân tự tập luyện tại nhà với các dụng cụ trợ giúp như thanh song song, khung tập đi để thuận tiện cho quá trình chăm sóc bệnh nhân hơn.
Hầu hết các bệnh nhân sau tai biến sẽ gặp khó khăn về ngôn ngữ, suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Chức năng nhận thức bị ảnh hưởng sẽ làm giảm khả năng giao tiếp xã hội của người bệnh khiến chất lượng cuộc sống của họ giảm đi. Với những trường hợp chức năng nhận thức bị ảnh hưởng nặng như mất hẳn nhận thức thì người bệnh sẽ cần được chăm sóc 24/24. Chức năng nhận thức ngoài việc cải thiện bằng các biện pháp vật lý thì việc tăng cường chức năng cho não bộ đóng một vai trò vô cùng lớn trong quá trình hồi phục của bệnh nhân. Để phục hồi não bộ, bệnh nhân có thể áp dụng chương trình tập luyện trí não khoảng 7 tháng sau cơn tai biến. Thời gian đầu, người bệnh chỉ nên tập trung không quá 30 phút, sau đó tăng dần thời gian lên. Khi tập luyện tới cường độ khoảng 40 giờ trong 8 tuần, người bệnh có thể hiểu dễ dàng hơn những gì người khác nói.
Ngoài việc phục hồi chức năng vận động thì công tác tâm lí trị liệu đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với người bệnh. Bệnh nhân vừa tập luyện, trị liệu, vừa trò chuyện tâm tình với y tá cũng là cách để họ giải tỏa sự lo âu phiền muộn. Với các di chứng liên quan đến thể chất sẽ cần sự kiên trì tập luyện của người bệnh cũng như sự giúp đỡ của gia đình. Gia đình cần nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên tư tưởng người bệnh kịp thời, tránh gây ra tâm lý tiêu cực cho người bệnh.
2, Ăn gì để phục hồi sau tai biến mạch máu não?
Chế độ dinh dưỡng góp phần quan trọng trong việc phục hồi sau tai biến mạch máu não. Dưới đây là một số thực phẩm nên bổ sung cho bệnh nhân bị tai biến:
Cung cấp đầy đủ protein: Tai biến mạch máu não thường dẫn đến giảm khả năng tổng hợp protein trong não, đặc biệt ở vùng xung quanh vị trí nhồi máu não. Do đó bệnh nhân sau tai biến cần được cung cấp đầy đủ protein trong các bữa ăn hàng ngày. Các thực phẩm giàu protein là thịt, cá, trứng, sữa có thể chế biến kỹ, nhuyễn để dễ dàng trong việc ăn uống của bệnh nhân. Việc bổ sung đủ lượng protein sẽ giúp não bộ nhanh phục hồi cũng như sức khỏe nhanh cải thiện. Lượng đạm cung cấp cũng cần cân bằng, ngoài đạm cần bổ sung tinh bột, chất xơ và các vitamin…
Tăng cường các chất chống oxy hóa: Sau tai biến mạch máu não, lượng gốc tự do được sinh ra nhiều từ các tế bào viêm khiến tình trạng tổn thương càng nặng. Cho nên, trong khẩu phần người bệnh sau tai biến cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa là: cam, bưởi, nho, cà chua, gấc, ớt, hạt lanh, hạt hướng dương…
Bổ sung kẽm: Kẽm có tác dụng giảm viêm, sưng não hiệu quả sau tai biến mạch máu não. Người bệnh cần ăn thực phẩm giàu chất kẽm như thịt lợn nạc, thịt bò, thịt gà, đậu hà lan, đậu tương, sò, lòng đỏ trứng gà… và cá mỗi ngày trong thời gian hồi phục.
Khi chăm sóc bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, người nhà bệnh nhân cần chú ý:
- Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu, như cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Tránh các thức ăn to, cứng, nóng dẫn đến khó nuốt hoặc hóc sặc.
- Hạn chế ăn mặn để tránh tăng huyết áp.
- Năng lượng cần trong ngày là: 25-30kcal/kg cân nặng/ngày.
- Uống đủ nước: có thể tính theo 40ml/kg cân nặng/ngày.
- Thành phần dinh dưỡng trong ngày nên được phân chia đa dạng, đảm bảo đầy đủ và cân đối.
3, Ngăn ngừa bệnh tai biến mạch máu não tái phát
Tai biến mạch máu não có thể tái phát nhiều lần sau đó, và có xu hướng nghiêm trọng hơn. Do đó để phòng tránh tai biến mạch máu não, bệnh nhân cần:
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
- Điều trị triệt để các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân, béo phì, tiểu đường, rối loạn nhịp tim…
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chất kích thích.
- Tránh căng thẳng thần kinh, kích động mạnh.
- Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột.
- Không vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh…
- Ngủ đúng giờ và đủ giấc
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan và thoải mái
- Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao…
Tóm lại tai biến mạch máu não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm nên việc phục hồi sau tai biến được thực hiện càng sớm càng tốt. Đây là cách duy nhất giúp bệnh nhân giảm các di chứng, biến chứng sau các cơn tai biến mạch máu não. Do đó người nhà nên động viên tư tưởng và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân trong quá trình điều trị để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và có thể tái nhập cộng đồng sớm hơn.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn