Dù đã được điều trị tai biến mạch máu não qua cơn nguy kịch nhưng khi về nhà, bệnh nhân vẫn cần được lên kế hoạch chăm sóc và có biện pháp phòng ngừa tránh căn bệnh tái phát. Bởi một khi tai biến mạch máu não tái phát trở lại thì bệnh nhân phải đối mặt với các di chứng nặng nề hơn so với những lần trước, thậm chí khả năng tử vong là rất cao.
Tai biến mạch máu não tái phát có nguy hiểm không?
Theo PGS.TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM, bệnh nhân tai biến mạch máu não phải đối mặt với nguy cơ tái phát rất cao, nhất là trong năm đầu tiên. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ tái phát sau khi bị đột quỵ lần đầu chiếm khoảng 20%trong một năm đầu và từ 10% đến 50% trong 5 năm sau. Cũng theo một nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương tại thành phố Hồ Chí Minh, sau tai biến mạch máu não não, khoảng 30% người bệnh bị rối loạn nhận thức, gần 50% bệnh nhân đột quỵ sinh hoạt, vận động khó khăn hoặc không thể tự chăm sóc bản thân mình, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Số lượng bệnh nhân tử vong do tai biến tái phát lần 2 cũng cao gấp 2,67 lần so với bệnh nhân bị tai biến lần đầu. Và thực tế cho thấy, cơn tai biến mạch máu não sau thường để lại di chứng nặng nề, chi phí điều trị cao hơn rất nhiều so với những lần trước đó.
Xem thêm: Tổng quan về bệnh tai biến mạch máu não
Bệnh nhân cần được chăm sóc thế nào sau tai biến mạch máu não?
Để giảm bớt các di chứng sau tai biến mạch máu não, khi trở về nhà sau giai đoạn cấp cứu, ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ thì bệnh nhân vẫn cần phải được chăm sóc sức khỏe cẩn thận hàng ngày:
- Uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Tái khám đúng hẹn để được điều trị liên tục, điều chỉnh thuốc phù hợp với tình trạng bệnh nhân lúc đó. Cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị lúc xuất viện để chọn nơi tái khám tốt nhất và thuận tiện nhất.
- Về chế độ ăn, bệnh nhân cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất và cân đối. Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như: cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi và hạn chế ăn mặn. Bên cạnh đó nên tránh cho người bệnh ăn các thực phẩm chứa chất béo và tránh một số chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia, nước uống có cồn…
- Cho bệnh nhân tập vận động tại nhà hoặc tại phòng tập vật lý trị liệu. Việc vận động sớm có thể làm giảm các biến chứng khác như viêm phổi, nhiễm trùng do loét tì đè… gây ra. Người nhà cần hướng dẫn, động viên, khuyến khích bệnh nhân tập luyện. Tránh một sai lầm thường mắc là tự ý ngừng điều trị khi thấy trong người khỏe khoắn và cho là đã hết bệnh.
- Ngoài chế độ dinh dưỡng và tập luyện hàng ngày, bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể kết hợp thêm các biện pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, kết hợp dùng các loại thuốc dân gian để người bệnh nhanh chóng phục hồi cơ thể và đẩy lùi các di chứng.
- Với những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, tinh thần hoảng loạn sau tai biến cần thiết có thể kê thuốc chống trầm cảm, điều này giúp ích cho bệnh nhân sớm cân bằng được trạng thái và có tinh thần lạc quan, tích cực trong điều trị vận động sớm.
Cách đề phòng tai biến mạch máu não tái phát?
Tai biến mạch máu não tái phát sẽ để lại những hậu quả khó lường cho người bệnh. Do đó để phòng ngừa bệnh tai biến tái phát, bệnh nhân cần:
- Kiểm soát và điều trị triệt để các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ não tiên phát như cholesterol cao, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…
- Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin C: rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt (đậu, hạnh nhân, gạo lứt…). Các thực phẩm tốt cho người tai biến mạch máu não là: dầu vừng, dầu đậu nành, cá thu, cá hồi…
- Không ăn nhiều mỡ béo, chất đường ngọt, tinh bột và thức ăn nhiều mắm muối.
- Thực hiện chế độ luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng. Không nên tập thể dục quá sức
- Kiểm tra huyết áp đều đặn, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, xúc động mạnh… dẫn đến huyết áp tăng cao.
- Hạn chế hút thuốc, sử dụng rượu bia và chất kích thích
- Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè. Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa.
- Đối với các bệnh nhân chưa bị tai biến mạch máu não nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng để có thể phát hiện và phòng ngừa bệnh kịp thời.
- Khi các triệu chứng của tai biến mạch máu não xuất hiện trở lại, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Việc điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Đừng chờ đợi cho các triệu chứng mất đi. Thông báo cho các thành viên gia đình hoặc những người bạn xung quanh khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Tóm lại, tai biến mạch máu não là một căn bệnh vốn đã rất nguy hiểm, nhưng khi tái phát trở lại, nó sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn và nặng nề hơn những lần trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát và tử vong của các bệnh nhân do bị tai biến mạch máu não lần 2 sẽ giảm đi nếu chúng ta có biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn