Ngày nay, những người trẻ cũng có thể rơi vào tình trạng lúc quên lúc nhớ – theo các nhà nghiên cứu thì khẩu phần ăn nhiều tinh bột, đồ chay, đồ nướng… cũng là nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer.
1, Ăn nhiều tinh bột
Alzheimer (bệnh suy giảm trí nhớ – đãng trí) là một chứng mất trí phổ biến nhất ở người cao tuổi và trên thế giới hiện nay chưa có phương pháp hay loại thuốc nào chữa được.
Những người lớn tuổi có chế độ ăn uống với hàm lượng tinh bột cao có nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ – tiền thân của bệnh Alzheimer – cao gấp 4 lần so với những người khác. Nghiên cứu mới đây của bệnh viện Mayo uy tín bậc nhất nước Mỹ cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa việc ăn nhiều tình bột với nguy cơ mắc bệnh đãng trí cao. Trong khi đó, protein và chất béo lại có khả năng bảo vệ cơ thể người trước triệu chứng suy giảm nhận thức này.
Tác giả của nghiên cứu, giáo sư Rosebud Roberts thuộc Khoa Dịch tễ học – Bệnh viện Mayo cho biết: đa số những người đã mắc phải triệu chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) sẽ tiến triển thành bệnh Alzheimer. MCI là triệu chứng mất trí nhớ về bản thân và những người xung quanh nhưng không có sự thay đổi trong tính cách và tâm trạng. Ở Anh hiện nay có khoảng 800.000 người sút giảm trí tuệ, trong số đó mỗi năm có 60.000 ca tử vong. Người ta ước tính rằng: trong chúng ta, cứ 100 người thì sẽ có 6 người phát triển các triệu chứng của bệnh Alzheimer.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy cứ mỗi năm lại có 10-15% trong số người mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ sẽ tiếp tục phát triển đến giai đoạn sút giảm trí tuệ.
Giáo sư Roberts nhận định: “Lượng tinh bột quá lớn sẽ gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể của bạn bởi chúng tác động đến quá trình trao đổi chất glucose và insulin. Chất đường tiếp ‘nhiên liệu’ cho bộ não hoạt động, nhưng nó chỉ tốt cho bạn nếu được hấp thu với một lượng vừa phải. Lượng đường quá nhiều sẽ làm cho não bộ quá tải trong việc xử lý, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của não, nao gồm cả chức năng ghi nhớ”. Bà cũng nói thêm rằng lượng đường quá cao có thể ảnh hưởng đến các mạch máu não đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển các mảng amyloid beta – protein độc hại đối với não bộ được tìm thấy ở các bệnh nhân Alzheimer. Người ta tin rằng đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng bệnh này.
Những người có chế độ ăn uống bao gồm các chất béo hữu ích có trong các loại hạt và dầu ăn tốt cho sức khỏe giảm 42% khả năng mắc chứng suy giảm nhận thức, còn với những người hấp thu nhiều chất đạm trong thịt, cá giảm 21% nguy cơ nói trên.
2, Ăn chay
Những người ăn chay dễ có nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan tới trí não như bị suy giảm trí nhớ hoặc mắc bệnh Alzheimer. Theo Praveen Gupta – một chuyên gia về thần kinh học thuộc Viện Y tế Artemis (Ấn Độ), đó là do những người ăn chay dễ bị thiếu vitamin B12, một loại vitamin có tác dụng cải thiện trí nhớ. Theo nghiên cứu tại Anh, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B12, não có thể bị teo. Lượng vitamin B12 càng thấp thì thể tích não càng giảm. Những người có mức vitamin B12 thấp nhất thì cũng bị giảm tới 1/6 thể tích não so với những người có nồng độ vitamin B12 trong cơ thể cao nhất.
Cá, hải sản, thịt, trứng là những thực phẩm có hàm lượng vitamin B12 cao. Trong khi những người ăn chay lại không dùng các loại thực phẩm này. “Thiếu vitamin B12 có thể làm suy giảm khả năng làm việc tối ưu của não bộ và từ đó, dẫn đến suy giảm trí nhớ”, hãng tin New Kerala dẫn lời Gupta cho biết. Hay quên các hoạt động diễn ra trong ngày, quên tên người quen, thường xuyên giận dữ, trầm cảm là một số triệu chứng phổ biến của chứng rối loạn trí não.
3, Ăn nhiều đồ nướng
Nướng thịt bằng lò nướng, vỉ nướng hay trực tiếp đun trên chảo có thể sản xuất ra các chất hóa học làm tăng nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ, dựa theo báo cáo của một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học Mỹ.
Các sản phẩm glycat hóa bền vững (viết tắt AGEs) được tạo ra trong quá trình đun cháy hay nướng thịt có liên quan đến các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, Alzheimer – bệnh mất trí tuổi già. AGEs được hình thành khi protein hoặc chất béo phản ứng với đường. Điều này dễ dàng xảy ra trong mọi quá trình nấu nướng, đặc biệt là khi thịt được nướng hay làm cháy.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Y khoa Icahn, New York cũng đã thử nghiệm trên người và chuột. Báo cáo mới nhất trong Viện hàn lâm khoa học chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu AGEs có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính chất hóa học của não bộ trong việc ghi nhớ cũng như thực hành các yêu cầu về trí tuệ. Nó dẫn đến sự tích tụ một lượng protein beta amyloid độc – một dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Những con chuột được cho ăn một lượng ít AGEs có khả năng ngăn chặn tốt hơn những protein nguy hiểm này. Những con chuột thí nghiệm tỏ ra chậm chạp hơn trong các bài kiểm tra về thể chất cũng như thể hiện trạng thái trí tuệ. Cũng theo đó, một phân tích ngắn ở những người trên 60 tuổi cho thấy, một mối liên hệ giữa mức độ cao AGEs trong máu với sự suy giảm nhận thức của họ.
Hiện nay, phương pháp chữa trị cho bệnh Alzheimer vẫn còn là một hy vọng xa xôi, cho nên những biện pháp để ngăn chặn nó là rất quan trọng. Những kết quả nghiên cứu trên tuy mới chỉ mang tính chất khuyến khích chứ chưa phải là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên đó cũng chính là những cơ sở để lạc quan với những nghiên cứu khác. Vì vậy việc sử dụng các chiến lược phòng ngừa như hạn chế ăn đồ nướng, ăn chay, ăn nhiều tinh bột…có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer và một số bệnh suy giảm trí tuệ khác trong xã hội, thậm chí còn có cả những ảnh hưởng tích cực trên chính bản thân chúng ta.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn