Ngoài những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đãng trí, hay quên như: suy tuyến giáp, stress, mất ngủ kéo dài… thì nguyên nhân chính khiến một người hay quên, đãng trí là bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý sau: đột quỵ não, thoái hóa não, viêm não hoặc khối u trong não…
Mục lục
1, Đột quỵ não
Đột quỵ não thường có hai nguyên nhân chính là nhồi máu não và xuất huyết não, làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp đến máu đến não. Các cơn đột quỵ thường gây mất trí nhớ ngắn hạn. Một người vừa bị đột quỵ có thể nhớ rất rõ về tuổi thơ xa xăm của mình nhưng lại chẳng nhớ nổi mình vừa ăn gì trong bữa trưa gần nhất. Đặc biệt, đột quỵ não có thể để lại những di chứng rất nguy hiểm như hay quên, đãng trí, suy giảm trí nhớ, méo miệng, liệt người… Vì vậy những người mắc bệnh hay quên có thể là do di chứng để lại của bệnh đột quỵ não.
2, Viêm não
Viêm não là một tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh-tâm thần khu trú hoặc lan tỏa, do nhiễm một loại virus như herpes simplex virus (HSV) gây ra. Các nguyên nhân này có thể gây tổn thương vững bền ở não. Tùy theo mức độ tổn thương, người ta có thể mất trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn hoặc cả hai.
3, Thiếu oxy trong não và nhiễm khí độc
Nhu cầu sử dụng oxy của tế bào não là cao nhất trong các cơ quan của cơ thể. Bình thường não tiếp nhận chừng 15% cung lượng tim (50 ml máu/100 gr não/phút) và sử dụng 25% tổng lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Nếu các tế bào thần kinh tại các vũng não không được cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất sẽ trở nên suy yếu về cả số lượng lẫn chất lượng, làm suy nhược thần kinh trung ương, gây ra nhiều biểu hiện, trong đó phổ biến nhất là hay quên và đãng trí.
Trong một số trường hợp nếu không may hít phải các khí độc trong không khí cũng sẽ tác động không nhỏ lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương và rối loạn thần kinh rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.
4, Thiếu vitamin (vitamin B-1)
Vitamin B1 có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ hệ thống thần kinh trước nguy cơ bị tổn thương và thoái hóa. Khi bị thiếu vitamin B1 cơ thể dễ bị mắc chứng mất trí nhớ mang tên là hội chứng Wernicke-Korsakoff. Hội chứng này thường thấy ở người thiếu ăn kéo dài hoặc người nghiện rượu. Nếu không điều trị, bệnh có thể từ hay quên, đãng trí tiến tới mức suy giảm trí nhớ hay sa sút trí tuệ vô cùng nguy hiểm. Được điều trị tốt, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng về sau thỉnh thoảng vẫn có thể có những khoảng thời gian ngắn bị mất trí nhớ tạm thời. Sử dụng các chất kích thích, nghiện rượu bia lâu năm, sử dụng chất gây nghiện như cocain cũng là nguyên nhân gây chứng hay quên.
Xem thêm: Chứng hay quên có chữa được không?
5, Khối u ở các vùng của não bộ
U não là sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong hộp sọ, nó có thể là lành tính hoặc ung thư (ác tính). Khối u lành tính có thể đe dọa sự sống nếu nó gây tăng áp lực nội sọ, tràn dịch não. Khối u ác tính có thể phát sinh từ các tế bào não (như tế bào não hình sao), hoặc di căn từ các bộ phận khác qua đường máu/ hệ bạch huyết. Một số dấu hiệu chung bệnh nhân có khối u ở não thường gặp phải là suy giảm trí nhớ…
6, Các bệnh thoái hóa não
Alzheimer là một trong những căn bệnh thoái hóa não bộ rất khó có khả năng phục hồi ở người cao tuổi, gây nên chứng mất trí và sa sút trí tuệ. Những tổn thương ở tế bào thần kinh vỏ não và các cấu trúc xung quanh bước đầu làm người bệnh có dấu hiệu đãng trí, sa sút trí nhớ, suy giảm sự phối hợp vận động, giảm cảm nhận của các giác quan…, dần dần dẫn đến tình trạng mất trí nhớ và mất các chức năng tâm thần kinh.
7, Chấn thương sọ não
Một cú va đập vào vùng đầu không may do ngã xe hoặc trượt ngã làm chấn thương não có thể gây mất trí nhớ tạm thời, lú lẫn và khó ghi nhớ các thông tin mới, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của phục hồi, nhưng thường không gây chứng hay quên nặng. Tuy nhiên, hậu quả của chấn thương sọ não mỗi trường hợp rất khác nhau, có thể hồi phục hoàn toàn nhưng sẽ để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần.
8, Tổn thương tình cảm
Một loại hiếm của chứng hay quên, được gọi là chứng hay quên tâm thần, bắt nguồn từ sốc tình cảm, chấn thương tâm lý như nạn nhân của các vụ bạo động hay lạm dụng tình dục sẽ có nguy cơ dẫn đến đãng trí rất cao. Trong rối loạn này, một người có thể quên đi những kỷ niệm cá nhân, quá khứ của mình.
Trên đây là những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đãng trí, hay quên. Đặc điểm chung của những nguyên nhân này không đơn thuần là bệnh hay quên lành tính mà hầu hết chúng đều liên quan đến một số bệnh lý làm tổn thương đến bộ nhớ nặng nề, từ đó gây ra hiện tượng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ nếu không được điều trị nhanh chóng và kịp thời.
Xem thêm thông tin: Cách điều trị bệnh hay quên hiệu quả nhất
Theo teonao.vn
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn