Có tới 80% trường hợp đột quỵ não gây nên bởi cục máu đông. Khi máu đông xuất hiện sẽ gây tắc nghẽn dòng máu, làm cho việc lưu thông máu bị gián đoạn, gây thiếu máu cục bộ tại não (hay còn gọi là nhồi máu não). Trong đó các yếu tố nguy cơ bao gồm tăng huyết áp, các bệnh tim, loạn nhịp tim, rối loạn lipid máu… là nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên.
Việc xác định thể tai biến nhồi máu não rất quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lựa chọn các phương pháp điều trị đặc hiệu và dự phòng cấp hai.
1.1. Tiền sử bệnh
Điều quan trọng nhất khi hỏi tiền sử là phải xác định được thời gian xuất hiện các triệu chứng khởi phát, đó là thời gian mà bệnh nhân vẫn chưa có các triệu chứng hoặc ở trạng thái hoạt động bình thường. Với những bệnh nhân hôn mê hoặc bệnh nhân không có khả năng cung cấp các thông tin đó, thì thời gian khởi phát được định nghĩa là thời gian cuối cùng mà bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo hoặc không có triệu chứng hoặc được biết là “bình thường”. Khi khai thác về tiền sử, cần hỏi về sự tiến triển của các triệu chứng đột quỵ não cũng như các đặc điểm gợi ý các nguyên nhân khác. Mặc dù không hoàn toàn chính xác, nhưng việc khai thác tiền sử kết hợp với khám lâm sàng, có thể trực tiếp hướng thầy thuốc đến các chẩn đoán bệnh khác có cùng các triệu chứng giống đột qụy não. Một điều quan trọng khác khi khai thác tiền sử là cần hỏi về các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu ở tất cả bệnh nhân đột quỵ, cũng như tiền sử lạm dụng thuốc, đau đầu migraine, nhiễm trùng, co giật, chấn thương hoặc mang thai.
1.2. Khám lâm sàng
Thực hiện khám lâm sàng chỉ sau khi đã đánh giá ban đầu các chức năng sống của bệnh nhân và nên lấy thông số về nhiệt độ và độ bão hòa oxy mao mạch. Khám lâm sàng vùng đầu và cổ có thể gợi ý bệnh nhân chấn thương, hoặc có co giật, khám động mạch cảnh (mảng thâm tím), hoặc suy tim xung huyết (tĩnh mạch cổ nổi), không bắt được mạch ở một bên của cổ trong trường hợp tắc động mạch cảnh.
Khám tim mạch nên tập trung vào xác định liệu có nhồi máu cơ tim cấp, các bệnh lý van tim, loạn nhịp tim, và có thể có phình tách động mạch chủ gây biến cố tắc mạch. Tương tự, cần khám hô hấp và ổ bụng để phát hiện các bệnh lý khác kèm theo. Khám da và tứ chi cũng có thể giúp cung cấp các thông tin các tình trạng bệnh lý toàn thân như: rối loạn chức năng gan, các bệnh lý đông máu, các rối loạn tiểu cầu.
1.3. Khám các dấu hiệu thần kinh và thang điểm đột qụy não
Việc khám các dấu hiệu thần kinh của bác sĩ cấp cứu cần tiến hành nhanh chóng, nhưng phải đầy đủ. Thực hiện tốt điều này, cần áp dụng thang điểm đột quỵ NIHSS (NIH Stroke Scale). Thang điểm này không chỉ giúp định lượng được mức độ khiếm khuyết thần kinh, mà còn cho biết tiên lượng sớm cũng như xác định những bệnh nhân có thể thực hiện các can thiệp cũng như biến chứng có thể xảy ra.
1.4. Các xét nghiệm chẩn đoán thường quy
Cần làm một số các xét nghiệm thường quy ở những bệnh nhân nghi ngờ nhồi máu não cấp để xác định tình trạng toàn thân có thể gây nhầm lẫn với đột quỵ hoặc là nguyên nhân của đột quỵ não, cũng như ảnh hưởng đến các biện pháp điều trị. Các xét nghiệm bao gồm: đường máu, điện giải đồ, công thức máu, PT, APTT, INR, chức nang thận. Hạ đường máu có thể gây các dấu hiệu và triệu chứng giống đột quỵ não.
1.5. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
1.5.1. Chụp CT sọ não không cản quang
Tất cả bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ não cần tiến hành chụp CT sọ não không cản quang ngay lập tức. Hầu hết bệnh nhân nhồi máu não được chẩn đoán trên phim chụp CT sọ não biểu hiện bằng các tổn thương giảm tỉ trọng. Tuy nhiên, CT sọ não có thể bỏ sót những trường hợp nhồi máu não đến sớm, tổn thương nhỏ ở vùng vỏ não hoặc vùng dưới vỏ, tổn thương não ổ khuyết, đặc biệt tổn thương ở vùng hố sau.
1.5.2. Chụp CT sọ đa lớp cắt
Chụp CT đa lớp cắt bào gồm các chức năng CT không cản quang, CT tưới máu não,CT mạch máu não. CT đa lớp cắt có độ nhậy và độ đặc hiệu cao trong phát hiện bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp, trong một số trường hợp còn giúp xác định được vùng thiếu máu có thể hồi phục và vùng thiếu máu không thể hồi phục.
Nhược điểm: phải dùng thuốc cản quang nên bệnh nhân có các nguy cơ khi dùng thuốc cản quang như tăng nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ do thời gian chụp lâu hơn.
1.5.3. Chụp cộng hưởng từ – MRI
Chụp MRI tốt hơn chụp CT sọ não, đặc biệt những bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp đến rất sớm, tổn thương nhồi máu não nhỏ, ở sâu, và tổn thương nhồi máu não vùng hố sau. Cộng hưởng từ khuếch tán có thể giúp đánh giá nhóm tổn thương của vùng bị nhồi máu và các mô có nguy cơ bị tổn thương, thậm chí thấy cả các nhồi máu nhỏ ở cuống não. Đặc biệt chụp xung thiên T2 và xung FLAIR cho thấy nhồi máu não rõ hơn CT và có thể được dùng để phát hiện tắc các động mạch lớn trong sọ.
Việc chuẩn đoán và xét nghiệm chính xác có tác động rất lớn đến quá trình điều trị tai biến mạch máu não. Chỉ cần những sai sót trong quá trình chẩn đoán có thể ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân. Do đó trong quá trình chẩn đoán và điều trị, người nhà, bệnh nhân và các bác sĩ cần phối hợp với nhau một cách hiệu quả để đưa ra biện pháp điều trị khoa học, kịp thời.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn