Để phòng tránh suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi một cách hiệu quả, chúng ta có thể tham khảo và thực hiện theo các phương pháp dưới đây:
Mục lục
1, Tập luyện thể dục
Tập luyện thể dục thể thao là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe. Việc tập thể dục không chỉ cải thiện lưu lượng máu và cung cấp oxy đến não, nó còn có các công dụng khác như: giúp ngủ ngon, chống các bệnh tim mạch, giữ gìn vóc dáng. Theo các nhà khoa học thì cơ thể khỏe sẽ giúp cho não phát ra nhiều sóng năng lượng hơn, tăng cường khả năng làm việc của não tốt, giúp chúng ta tiếp thu kiến thức nhanh và nhớ lâu hơn. Theo một nghiên cứu của nhóm các tác giả thuộc Đại học Hoàng gia London gần đây cũng cho thấy: khi so sánh mức độ tập luyện thể chất của hơn 9.000 người tham gia khi ở độ tuổi 11, 16, 33, 42, 46 và 50, kết quả nhận được: những người tập luyện thể chất từ khi còn trẻ (3-4 lần/tuần) có những cải thiện đáng kể về chức năng nhận thức khi ở độ tuổi 50 và có thể chống được các căn bệnh nguy hiểm như: bệnh teo não, bệnh alzheimer, sa sút trí tuệ khi về già…
2, Đọc các sách đòi hỏi tư duy
Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay có rất nhiều thiết bị trợ giúp chúng ta đọc sách như: máy vi tính, máy tính bảng, smartphone… Nhưng tất cả đều không thể hiệu quả bằng đọc sách giấy. Bởi khi đọc sách trên các thiết bị đó, chúng ta thường bị gây nhiễu bởi rất nhiều ứng dụng, trò chơi, phần mềm khác. Khi cầm một cuốn sách đọc, không có những thứ gây nhiễu, chúng ta hoàn toàn có thể tập trung vào việc đọc. Nếu duy trì thói quen này thường xuyên, khả năng tập trung sẽ được nâng cao và điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong học tập cũng như trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Ngoài tác dụng mở mang kiến thức, nâng cao vốn từ hay giảm căng thẳng stress, việc đọc sách thường xuyên còn có thể giúp chúng ta tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, cải thiện trí nhớ và kích thích tinh thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kích thích tinh thần có thể làm chậm lại tiến độ (hoặc thậm chí có thể ngăn chặn) biến chứng nguy hiểm từ suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi sang căn bệnh Alzheimer và mất trí nhớ sau này.
3, Đi ngủ sớm và đủ giấc
Thời điểm đi ngủ sẽ tác động nhất định đến tinh thần và sức khỏe của chúng ta. Những người đi ngủ lúc 2 giờ sáng và thức dậy lúc 10 giờ sẽ không thể có sức khỏe tốt như người ngủ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Và với những người trẻ, để phòng tránh suy giảm trí nhớ thì thời điểm đi ngủ tốt nhất là khoảng 21-22h. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, việc ngủ đúng giờ và trước nửa đêm sẽ giúp cơ thể sản xuất và kiểm soát được chất serotonin – chất được sản sinh trong não và có khả năng điều tiết cảm xúc của mỗi người. Thiếu ngủ đồng nghĩa với việc lượng serotonin bị giảm xuống, tức là khả năng điều tiết cảm xúc của bạn bị kém đi. Chúng ta dễ bị trầm cảm, bực bội, lo âu… Còn ngược lại, khi ngủ đủ giấc, lượng serotonin được sản sinh đầy đủ sẽ giúp chúng ta làm chủ được mình và thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách hiệu quả hơn. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng những người bị mất ngủ sẽ phản xạ kém với những tín hiệu về hình ảnh và trình độ biểu đạt cảm xúc so với những người ngủ đúng giờ, đủ giấc.
4, Ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ ở người trẻ là do chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến não bộ không được cung cấp đầy đủ và trở lên hoạt động kém hiệu quả hơn. Cách khắc phục tình trạng này là xây dựng lại chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Một số nhóm dưỡng chất tốt cho não bộ là:
- Vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B thường có nhiều trong ngũ cốc thô, các loại rau.
- Vitamin C có nhiều trong rau và trái cây tươi như cam, bưởi, táo…
- Magiê có nhiều trong rau xanh tươi và các loại hạt. Mangan có nhiều trong các loại hạt, trái cây, trà xanh…
- Axit folic có nhiều trong các loại rau có màu xanh thẩm. Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt, cá. Axit amin có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, pho mai, đậu phộng, tảo biển, hạt hướng dương, hạt bí đỏ,…
- Iod và sắt là hai chất dinh dưỡng rất cần thiết cho bộ não. Thiếu iod cơ thể sẽ thụ động, trì trệ, nhận thức kém và trí tuệ hạn chế. Do đó trong bữa ăn hàng ngày chúng ta phải bổ sung đầy đủ muối iod với hàm lượng phù hợp nhé. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu trong cơ thể và thiếu máu não do sắt là vi chất cần thiết để tạo máu, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, hay có cảm giác buồn ngủ, mất tỉnh táo khi bị thiếu sắt. Những thực phẩm giàu sắt là: thịt bò, gan, các loại đậu, rau có màu xanh đậm…
- Ngoài ra, Omega 3 và Omega 6 cũng lànhững chất dinh dưỡng tốt cho trí não mà chúng ta nên bổ sung vào chế độ ăn uống của mình, giúp cấu tạo nên tế bào thần kinh. Tuy nhiên, những chất dinh dưỡng này cơ thể không thể tự tổng hợp được, nên cần bổ sung cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống như cá, trứng, bắp cải, đậu phụ…
5, Tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan là một trong những phương pháp phòng tránh suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi rất hiệu quả. Chất lượng của suy nghĩ tạo nên chất lượng của cảm xúc. Như vậy nếu như chúng ta không quản lý những suy nghĩ này, và việc suy nghĩ, căng thẳng, stress quá nhiều sẽ làm chúng ta cạn kiệt năng lượng. Và nếu chúng ta suy nghĩ tiêu cực thì nó sẽ còn tạo ra những cảm xúc xấu, hủy diệt cơ thể của chúng ta. Như vậy chúng ta phải học cách tạo nên những suy nghĩ tích cực về bản thân mình, về người khác, về cuộc sống để đem lại niềm vui, hạnh phúc, sức mạnh, sự tự tin cho chúng ta. Thật may mắn chúng ta là con người, chúng ta có suy nghĩ, chúng ta cũng có khả năng kiểm soát suy nghĩ, lựa chọn suy nghĩ để có kết quả tốt hơn. Vì vậy hãy luyện tập thường xuyên để giúp bộ não của chúng ta trở thành “bộ lọc” tốt, biết “chắt lọc tinh hoa” từ những người và sự vật xung quanh. Hiểu rõ chính mình và làm việc phù hợp sẽ giúp chúng ta cảm thấy luôn hạnh phúc.
Tóm lại, trên đây là những phương pháp phòng tránh suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi. Việc áp dụng những phương pháp này trong cuộc sống không chỉ giúp những người trẻ có một bộ não sáng suốt, minh mẫn mà còn ngăn chặn được các biến chứng và bệnh lý nguy hiểm sau này.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn