(Bài viết được tham khảo ý kiến của bác sỹ Nguyễn Hồng Hải – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Hòa Bình)
Mục lục
- I – Tổng quan về bệnh sa sút trí tuệ mạch máu
- II – Nguyên nhân của bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu
- III – Các yếu tố nguy cơ của bệnh
- IV – Triệu chứng và dấu hiệu của sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch
- V – Chẩn đoán sa sút trí tuệ trong bệnh mạch máu
- VI – Tiên lượng và điều trị
- VII – Các vấn đề giai đoạn cuối đời
- VIII – Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ mạch máu
I – Tổng quan về bệnh sa sút trí tuệ mạch máu
Muốn hiểu rõ về bệnh sa sút trí tuệ mạch máu, trước tiên bạn cần hiểu rõ chức năng của não. Não bộ chịu trách nhiệm khởi phát vận động, điều khiển trạng thái cảm xúc, ngôn ngữ, và cũng là nơi lưu trữ thông tin, trí nhớ. Khi não bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến chức năng của não, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động sống của con người.
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ dùng để mô tả một bệnh lý bao gồm các triệu chứng như suy giảm trí nhớ, suy giảm khả năng ngôn ngữ, gặp các vấn đề về tư duy, định hướng, sự phán đoán,…
Sa sút trí tuệ mạch máu là sa sút trí tuệ xuất phát từ nguyên nhân não bị tổn thương do không được cung cấp đủ máu bởi các vấn đề liên quan đến mạch máu.
II – Nguyên nhân của bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu
Các nguyên nhân chính:
1 – Đột quỵ làm tắc nghẽn động mạch não
Đa số những trường hợp bị đột quỵ đều xuất phát từ việc các mạch máu của não bị hẹp và tắc nghẽn do cục máu đông. Khi máu cung cấp cho não bộ đột ngột bị mất sẽ dẫn đến đột quỵ. Nếu không can thiệp cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể dẫn tới tử vong.
Theo thống kê, có khoảng 20% người bệnh bị đột quỵ, tai biến mạch máu não sẽ gặp tình trạng sa sút trí tuệ trong vòng 6 tháng sau đó. Việc đột quỵ lặp đi lặp lại càng nhiều lần sẽ càng gia tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
2 – Xuất huyết não
Đây là tình trạng huyết áp cao làm suy yếu mạch máu dẫn đến chảy máu vào não làm tổn thương não, hoặc do sự tích tụ protein trong các mạch máu nhỏ xảy ra với quá trình lão hóa làm suy yếu chúng theo thời gian (Gọi là bệnh mạch máu não)
3 – Mạch máu não bị thu hẹp hoặc tổn thương mãn tính
Tình trạng các mạch máu não bị thu hẹp hoặc tổn thương mãn tính có thể dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu. Nguyên nhân có thể do sự hao mòn liên quan đến lão hóa, huyết áp cao, lão hóa bất thường của mạch máu (xơ vữa động mạch), bệnh tiểu đường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu như: Đột quỵ làm tắc nghẽn động mạch não; xuất huyết não; mạch máu não bị thu hẹp hoặc tổn thương mãn tính.
III – Các yếu tố nguy cơ của bệnh
Đối với bệnh sa sút trí tuệ mạch máu, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, nhưng có một số yếu tố thì ngược lại.
1 – Yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát
Người bệnh sa sút trí tuệ mạch máu có những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát như:
- Tuổi tác: Đối với người dưới 65 tuổi, nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ càng thấp. Và ngược lại, sau 65 tuổi, mỗi năm nguy cơ mắc bệnh của bạn tăng gấp đôi.
- Gen: Theo các nhà nghiên cứu khoa học cho biết, yếu tố Gen có liên quan đặc biệt đến bệnh sa sút trí tuệ mạch máu. Nếu người thân của bạn có tiền sử bệnh như đái tháo đường, bệnh tim mạch, đột quỵ thì bạn sẽ bị gia tăng nguy cơ mắc loại bệnh này. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, vì vai trò của Gen đối với bệnh sa sút trí tuệ mạch máu không cao.
- Giới tính: Theo nghiên cứu chỉ ra nam giới có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ mạch máu cao hơn nữ giới. Tuy nhiên tỷ lệ chênh lệch giữa nam giới và nữ giới mắc bệnh cũng không quá nhiều.
2 – Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát
- Bệnh đột quỵ, đái tháo đường, tim mạch hoặc thói quen sử dụng bia rượu, hút thuốc lá: Đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ mạch máu.
- Ngưng thở trong lúc ngủ: Tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ dù chỉ là vài giây cũng có khả năng là yếu tố nguy cơ dẫn đến việc sa sút trí tuệ mạch máu.
- Trầm cảm: Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân, yếu tố nguy cơ dẫn đến việc sa sút trí tuệ mạch máu.
IV – Triệu chứng và dấu hiệu của sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch
Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà sa sút trí tuệ có thể tác động và tạo nên những triệu chứng khác nhau. Nhưng cơ bản, người bệnh sa sút trí tuệ sẽ có những dấu hiệu chung như dưới đây:
- Gặp vấn đề khi sắp xếp kế hoạch hoặc tổ chức: không thể lên kế hoạch làm việc, hoặc sắp xếp đồ vật theo một trật tự nhất định.
- Không tìm ra được hướng giải quyết khi gặp vấn đề
- Khó có thể thực hiện những công việc bao gồm nhiều công đoạn khác nhau.
- Tốc độ suy nghĩ chậm, dẫn đến làm mọi việc trở nên chậm chạp hơn.
- Khó tập trung giải quyết vấn đề.
Đối với những trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới thì sẽ có biểu hiện hay quên. Ví dụ như không thể nhớ ra cần làm gì tại một thời điểm, không nhớ được sáng nay ăn gì. Nặng hơn có thể dẫn đến việc quên hết mọi thứ, kể cả người thân. Đối với vấn đề ngôn ngữ, người bệnh sa sút trí tuệ thường nói không trôi chảy.
Một trong những triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch chính là tình trạng hay lo lắng. Cảm xúc thường thay đổi bất ngờ.
Với những người bệnh giai đoạn nặng, bệnh lú lẫn thường có chuyển biến xấu, quên nhiều hơn. Người bệnh có thể bị kích động, mất ngủ, ảo giác, mất khả năng tự chăm sóc.
V – Chẩn đoán sa sút trí tuệ trong bệnh mạch máu
Để có thể chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ mạch máu, bạn có thể dựa trên những triệu chứng bệnh để tiên đoán. Bạn nên đến những cơ sở uy tín, những bệnh viện lớn để bác sĩ có thể dựa trên triệu chứng của bạn để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Đối với những trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ có can thiệp kịp thời để ngăn chặn bệnh tiến triển.
Không nên tự ý sử dụng những loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Cách tốt nhất bạn vẫn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, bạn cũng cần sự tư vấn của bác sĩ để xây dựng cơ chế nghỉ ngơi hợp lý.
VI – Tiên lượng và điều trị
Đến thời điểm hiện tại, chưa có một phương pháp nào có thể hoàn toàn chữa trị được bệnh sa sút trí tuệ mạch máu.
Theo các bác sĩ, cần kiểm soát tốt các nguy cơ để hạn chế tình trạng chuyển biến xấu của bệnh. Đồng thời, cần kiểm soát huyết áp và đường huyết. Bởi hai yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim mạch. Nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ.
Điều quan trọng trong việc điều trị bệnh sa sút trí tuệ đó là xây dựng một lối sống lành mạnh. Có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý là bài thuốc tốt nhất để điều trị bệnh.
VII – Các vấn đề giai đoạn cuối đời
Đối với giai đoạn cuối đời, người nhà bệnh nhân cần chú ý để chăm sóc người bệnh. Bởi người bệnh sa sút trí tuệ nặng có thể suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, người bệnh cũng phải chuẩn bị tâm lý nếu tình trạng bệnh nặng có thể dẫn đến quên người thân.
VIII – Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ mạch máu
Việc chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ mạch máu đóng góp vai trò quan trọng trong hành trình điều trị bệnh này. Người bệnh có thể dần mất đi khả năng làm mọi việc thường ngày. Lâu dần có thể mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Vì thế cần sự giúp đỡ từ phía người thân.
Người chăm sóc người bệnh có thể chia công việc thành nhiều bước nhỏ, đơn giản để người bệnh có thể tự làm. Có thể sử dụng những thiết bị nhắc nhở để nhắc người bệnh uống thuốc.
Đồng thời, luôn tạo cho người bệnh tinh thần tích cực, lạc quan. Ủng hộ người bệnh làm những việc mà họ yêu thích để tạo niềm vui cho họ. Việc này sẽ giúp cải thiện trí nhớ và duy trì khả năng giao tiếp.
Bệnh sa sút trí tuệ mạch máu là căn bệnh nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời là vô cùng cần thiết. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên có thể giúp ích cho quý vị!
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn