Sa sút trí tuệ thể lewy (DLB) là tình trạng sa sút trí tuệ do sự lắng đọng bất thường của một loại protein có tên là Alpha-synuclein ở trong não. Đây là loại phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ tiến triển, chỉ đứng thứ 2 sau bệnh Alzheimer. Thực tế chưa có nhiều người hiểu chính xác về căn bệnh này. Vì vậy, trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ tổng hợp những thông tin chi tiết về dạng sa sút trí tuệ ở thể lewy. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
(Bài viết được tham khảo ý kiến của bác sỹ Nguyễn Hồng Hải – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Hòa Bình)
Mục lục
I – Sa sút trí tuệ thể lewy là gì?
Sa sút trí tuệ thể Lewy (DLB) là một bệnh xảy ra do sự xuất hiện những khối rắn siêu nhỏ của một loại protein được hình thành trong phần vỏ não, có tên là Alpha-synuclein. Bệnh làm suy giảm trí nhớ, khả năng nhận thức và vận động của con người.
Bệnh sa sút trí tuệ thể lewy gây ra tình trạng mất trí nhớ tiến triển, sự suy giảm về khả năng nhận thức và tinh thần, trí tuệ của người bệnh. Ngoài ra, ở mức độ nặng hơn còn có thể gặp ảo giác thị giác, cơ bắp bị cứng và mất ổn định, thường xuyên run rẩy, mất cân bằng.
II – Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Người gặp tình trạng sa sút trí tuệ ở thể lewy thường bị ảnh hưởng bởi khối protein hình thành ở trong tế bào não. Protein kiểm soát các chức năng nhận thức, thị giác, tư duy và vận động của người bệnh. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính xác nào về cơ chế hình thành và cách mà các protein này phá hủy tế bào não.
Ngoài ra, còn có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc sa sút trí tuệ thể lewy:
- Tuổi tác: người cao tuổi (trên 60 tuổi) thường có nguy cơ cao mắc bệnh hơn do chức năng não bộ suy giảm.
- Giới tính: Theo khảo sát, tỷ lệ nam giới mắc bệnh sa sút trí tuệ thể lewy cao hơn nữ giới.
- Yếu tố di truyền: Những người có ông bà, cha mẹ, anh chị em mắc bệnh sa sút trí tuệ thường có nguy cơ mắc cao hơn.
- Người bị trầm cảm: Những người bị trầm cảm có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ thể lewy cao hơn những người khác.
III – Triệu chứng, dấu hiệu của mất trí nhớ thể lewy
Đối với căn bệnh này, có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Dưới đây là một số những dấu hiệu điển hình, thường gặp nhất:
1 – Các triệu chứng đầu tiên
Thông qua ảo giác thị giác, người bệnh có thể cảnh giác và phát hiện ngay mình có đang mắc phải sa sút trí tuệ thể lewy. Đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh thường sẽ nhìn thấy những thứ vốn dĩ không hiện diện.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải các ảo giác khác như: nghe và ngửi thấy những thứ không hiện diện. Tuy nhiên, trường hợp này ít xảy ra hơn so với ảo giác thị giác.
2 – Các triệu chứng về nhận thức
Nhận thức của người mắc sa sút trí tuệ thể lewy có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, được thể hiện qua các triệu chứng cụ thể:
- Lú lẫn
- Ngủ lơ mơ và ngủ lịm.
- Thường xuyên mất tập trung
- Suy giảm trí nhớ, nặng hơn là mất trí nhớ hoàn toàn
- Thường tập trung vào không gian vô định trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng thường gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ, định vị không gian, giải quyết các vấn đề,…
3 – Các triệu chứng vận động
Người bị sa sút trí tuệ thể lewy gặp trở ngại trong vận động như:
- Khó nuốt
- Dễ bị ngã, tai nạn nguy hiểm
- Tư thế ngồi, đứng không được thoải mái
- KHó khăn trong việc di chuyển, nhấc chân không được cao nên thường đi lê bước.
- Cơ bị co cứng
- Giọng nói yếu ớt
- Thường xuyên bị rùng mình.
4 – Các triệu chứng về giấc ngủ
Khó ngủ là dấu hiệu điển hình ở những người mắc bệnh sa sút trí tuệ ở thể lewy. Bên cạnh đó, trong giấc ngủ, người bệnh có thể gặp những trường hợp như sau:
- Dễ bị ngã khỏi giường
- Mất ngủ mặc dù rất buồn ngủ
- Chân không để yên khi đang ngủ
- Nói chuyện trong giấc ngủ
- Mộng du
- Hay mơ khi ngủ.
5 – Các triệu chứng về hành vi và tâm trạng
Cảm giác lo âu, ảo tưởng, trầm cảm, mất động lực, hoang tưởng,… là những biểu hiện điển hình về hành vi và tâm trạng ở những người bị sa sút trí tuệ thể lewy.
6 – Các triệu chứng khác
Táo bón, chóng mặt, ngất, rối loạn vị giác, khứu giác, rối loạn chức năng tình dục hoặc tiểu tiện không tự chủ là một vài những triệu chứng khác ở người bệnh thuộc thể lewy.
IV – Điều trị sa sút trí tuệ thể lewy
Cho tới nay, dù đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu nhưng vẫn chưa có giải pháp nào có thể chữa khỏi bệnh sa sút trí tuệ thể lewy. Thay vào đó có thể sử dụng một số biện pháp nhằm kìm hãm sự xuất hiện các triệu chứng của bệnh trong một thời gian. Cụ thể:
- Dùng thuốc: Một số thuốc như Rivastigmine, donepezil và galantamine có tác dụng tăng cường nhận thức, giảm xuất hiện ảo giác ở người bệnh.
- Thay đổi môi trường sống của bệnh nhân để giảm thiểu sự căng thẳng và mức độ lo âu.
- Sử dụng các bài tập và liệu pháp thể chất
- Điều trị tại nhà: Hay nói cách khác chính là cách mà người thân chăm sóc người bệnh. Hãy cố gắng giao tiếp và giúp họ được vận động để điều chỉnh các cơ, hạn chế sự co cứng cơ, kích thích não hoạt động bằng các trò chơi mang tính tư duy (giải câu đố, giải ô chữ,…). Từ đó, giúp họ không bị ngã, mất ý thức hoặc có bất kỳ hành vi, suy nghĩ mang tính tiêu cực nào.
V – Các vấn đề giai đoạn cuối đời
Vì không có cách điều trị dứt điểm nên những người mắc bệnh sa sút trí tuệ thể lewy cần có sự chuẩn bị trước cho giai đoạn cuối đời của mình. Có thể là cá nhân người bệnh hoặc người thân, người giám hộ, luật sư,… sẽ lên kế hoạch và giám sát tài chính của bệnh nhân. Các thỏa thuận mang tính pháp lý như giấy ủy quyền, các quyết định nuôi dưỡng, chăm sóc,.. cần được thông qua và nhất quán giữa các bên.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến sa sút trí tuệ thể lewy. Vì không có biện pháp điều trị triệt để nên việc phát hiện bệnh sớm để có các giải pháp ức chế là rất cần thiết đối với người bệnh. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đưa ra có thể giúp ích cho quý vị.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn