Phát hiện ra những dạng bệnh sa sút trí tuệ mà bệnh nhân mắc phải có thể giúp các bác sĩ có biện pháp điều trị chính xác và khoa học nhất. Vậy làm thế nào để kiểm tra và chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này:
1, Nguyên nhân gây ra bệnh sa sút trí tuệ
Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh sa sút trí tuệ là:
Bệnh Alzheimer: chiếm 50-60% các bệnh nhân sa sút trí tuệ
Các bệnh thần kinh:
- Các bệnh mạch máu (10-20% các bệnh nhân): Nhồi máu đa ổ, ổ khuyết, Bệnh Binswanger, nhồi máu vi thể ở vỏ não.
- Các khối u nội sọ: U não, áp xe não (1-5% các bệnh nhân).
- Chấn thương sọ não (1-5% các bệnh nhân), sa sút trí tuệ ở những võ sĩ quyền anh.
- Thuỷ thũng não áp lực bình thường (1-5% các bệnh nhân).
- Các bệnh thoái hoá thần kinh: Bệnh Parkinson (1%), Huntington (1%), bệnh Pick (1%), liệt trên nhân tiến triển (1%), bệnh Wilson.
- Các bệnh nhiễm trùng thần kinh: Bệnh Creutzfeldt–Jacob, AIDS, viêm não virus, giang mai thần kinh, viêm màng não do vi khuẩn mạn tính.
Các bệnh nội khoa:
- Nhiễm độc rượu, ma tuý (1-5%).
- Các rối loạn dinh dưỡng: Hội chứng Wernicke – Korsakoff (1-5%), thiếu vitamin B12, thiếu acide folate, thiếu kẽm.
- Các rối loạn chuyển hoá: Rối loạn chức năng tuyến giáp, suy thận, suy gan, bệnh tuyến giáp trạng, hội chứng Cushing.
- Các bệnh viêm mạn tính: Xơ cứng rải rác, bệnh lupus và các rối loạn collagen có viêm mạch nội sọ….
Các nguyên nhân khác: Sa sút trí tuệ còn có thể là giai đoạn cuối của một số bệnh lý tâm thần mạn tính (Tâm thần phân liệt, động kinh… ).
2, Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân sa sút trí tuệ
Khi mắc bệnh sa sút trí tuệ, bệnh nhân thường có các biểu hiện như:
- Suy giảm trí nhớ: Quên những chi tiết quan trọng (tên người thân), kèm theo suy giảm khả năng suy luận, tính toán.
- Mất khả năng ngôn ngữ: Khả năng giao tiếp kém, khó khăn trong việc tìm từ ngữ để nói, hay nói lặp và nói nửa chừng…
- Mất định hướng không gian: đi lạc, ngay những nơi quen thuộc.
- Rối loạn hoạt động: Bệnh nhân giảm khả năng thực hiện các động tác quen thuộc, khó khăn trong sử dụng các dụng cụ nâng cao và bình thường. Cuối cùng không làm được các sinh hoạt cơ bản như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân.
- Mất khả năng nhận thức: Không nhận thức được đồ vật thông thường, công dụng của đồ vật. Không nhận ra người thân, cuối cùng không nhận ra được bản thân mình. Mất khả năng phân tích, phán đoán, suy luận.
- Một số biểu hiện khác: Trầm cảm, lo âu, ảo giác, hoang tưởng, mất ngủ…
3, Chuẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm bệnh sa sút trí tuệ
Việc nghiên cứu cận lâm sàng một cách toàn diện được thực hiện nhằm chẩn đoán và phát hiện ra các nguyên nhân sa sút trí tuệ, từ đó có biện pháp có thể điều trị được:
3.1, Thăm khám lâm sàng:
Trong quá trình này, bước đầu tiên cần xác định xem người bệnh có vấn đề về nhận thức hay không và mức độ nghiêm trọng như thế nào:
- Hỏi bệnh: Cần kết hợp hỏi và nghe bệnh nhân trả lời, hỏi bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân. Cần chú ý các dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ và các yếu tố nguy cơ người bệnh có thể mắc phải.
- Khám thần kinh: Cần chú ý trương lực cơ, các động tác, sự điều phối, các phản xạ, vận động nhãn cầu và thị trường, thính lực. Trong đánh giá chức năng tâm trí cơ bản phải xem tri giác, trí nhớ, cảm xúc, tư duy, ngôn ngữ, hành vi, phán đoán của bệnh nhân.
- Khám toàn thể: Chú ý tới các hệ thống, cơ quan trong cơ thể.
- Kiểm tra ngắn trạng thái tâm trí: Đây là trắc nghiệm đã được Folstein và cộng sự đề xướng và hiện rất thông dụng trong lâm sàng, đặc biệt để phát hiện sớm các trạng thái suy giảm nhận thức nhẹ và các trạng thái sa sút trí tuệ. Trắc nghiệm gồm 20 câu hỏi và mỗi câu trả lời đúng được cho 1 điểm. Nếu đạt trên 24 điểm là bình thường; dưới 17 điểm có thể bị suy giảm nhận thức nhẹ và dưới 13 điểm có thể là sa sút trí tuệ.
Xem chi tiết: THANG ĐÁNH GIÁ TRẠNG THÁI TÂM THẦN MMSE
3.2, Khám cận lâm sàng
Ở khâu khám cận lâm sàng, bệnh nhân được làm các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm cơ bản về huyết học: (công thức máu; tốc độ máu láng …), sinh hóa (máu, nước tiểu), vi sinh y học (chú ý phản ứng viêm gan, giang mai, HIV…). Cần chú ý tới nồng độ vitamin B12, chức năng tuyến giáp, nồng độ một số thuốc trong cơ thể.
- Thăm dò chức năng: ghi điện tim, ghi điện não…
- Hình ảnh học: Các tiến bộ của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh não hiện nay (như chụp C.T, sọ não, MRT, SPECT) đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán nguyên nhân sa sút trí tuệ. Bệnh nhân có thể được siêu âm Doppler, siêu âm xuyên sọ, chụp X quang quy ước ngực, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu não (CLVT, CHT, số hóa xóa nền), chụp CLVT phát điện tử dương (PET), chụp CLVT phát photon đơn (SPECT) để phát hiện ra dạng bệnh sa sút trí tuệ mình mắc phải.
- Xét nghiệm dịch não – tủy
3.3, Xét nghiệm dấu ấn sinh học
Xét nghiệm dịch não-tủy và huyết thanh, đo nồng độ bêta-amyloid 1-40 và bêta-amyloid 1-42, Lejla K và cs (2010) thấy:
- Nồng độ bêta-amyloid 1-42 giảm thấp ngay từ giai đoạn tiền lâm sàng không phụ thuộc tuổi, giới, thời gian mắc bệnh.
- Tỷ lệ bêta-amyloid 1-42/bêta-amyloid 1-40 giảm không phụ thuộc vào tuổi và giới.
Tóm lại, qua thăm khám lâm sàng, đồng thời căn cứ vào các nghiên cứu sinh học về chức năng nhận thức và quá trình lão hóa ở não bộ bệnh nhân mà các bác sĩ có thể chuẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh sa sút trí tuệ dạng nào, từ đó có phương pháp điều trị bệnh sa sút trí tuệ cụ thể. Do đó, khi bệnh nhân thấy bản thân có các dấu hiệu suy giảm trí nhớ, rối loạn hoạt động hoặc những biểu hiện khác cần đến thăm khám ngay để được các bác sĩ chẩn đoán kịp thời, tránh để lâu dài có thể gây ra các tổn thương cho não bộ vĩnh viễn không thể chữa trị được.
Hoặc kết nối qua Zalo: 0789894105 để được tư vấn